BẠN VÀ THÙ CỦA CƠ THỂ
Các nhà khoa học không nghi ngờ với quan điểm cho rằng bản thân thức ăn có thể bảo vệ chúng ta trước không ít nguy cơ mắc bệnh. Trong bảng danh sách dài thuốc chữa bệnh tự nhiên có gừng, nghệ, tỏi, bưởi, chè xanh.
Khắp nơi tràn ngập thông tin về tác động hữu ích đối với cơ thể của cái gọi là chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Và phần lớn thực tế đúng như vậy. Thế nhưng, không phải bao giờ cũng thế. Chắc chắn đã có lần bạn cảm thấy cơ thể “có vấn đề” khi sử dụng một sản phẩm nào đó trong số “thần dược tự nhiên”.
Tại sao vậy? Bí quyết ẩn giấu ở chỗ: Sản phẩm này có tác dụng kích thích tiêu hóa, sản phẩm khác lại cung cấp thêm năng lượng và làm tăng huyết áp,... Vì thế, cái mà bạn ăn nhằm bồi bổ cho trái tim có thể làm tổn hại lá gan, và ngược lại.
Thế nên, thông tin đầy đủ về tác dụng của thức ăn đối với các cơ quan chủ yếu của cơ thể là đơn thuốc hợp lý nhất. Nhất thiết phải duy trì thực đơn thích hợp với trường hợp đã biết bản thân được chẩn đoán mắc bệnh nào đó. Hãy tham khảo, nên dùng và tránh món gì dưới đây để cơ thể khỏe mạnh.
1. THẬN
"Thích"
- Cam, chanh: Chứa những hợp chất có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của sỏi thận.
- Dưa chuột tươi: Chỉ cần vài lát dưa chuột tươi mỗi ngày cũng giảm thiểu đáng kể nguy cơ sỏi thận. Lý do: Chúng cản trở quá trình tạo ra những tinh thể acid nước tiểu và lắng đọng calcium, những hợp chất hình thành sỏi thận.
"Không thích"
- Thịt, các sản phẩm chế biến từ thịt và các sản phẩm chế biến từ sữa. Đây là nguồn protein, mà việc lạm dụng sẽ bắt thận làm việc quá sức.
- Muối và các sản phẩm đồ hộp. Nhiều nhất có trong các loại bột canh. Muối dạng này gây ra tình trạng giữ nước trong cơ thể và tăng huyết áp, yếu tố dẫn đến tổn hại mao mạch và hại thận.
- Rượu, thậm chí rượu nhẹ cũng làm tăng huyết áp và giữ nước trong cơ thể. Ngoài ra, rượu còn làm đặc nước tiểu, tức có thể là nguyên nhân gây viêm nhiễm bàng quang và thận.
Bạn có biết rằng: Bia có tác động tích cực đến thận. Đối với đa số, một vại bia nhỏ hàng ngày có tác dụng lợi tiểu và làm sạch thận. Tuy nhiên không được phép lạm dụng, bởi bia cũng có cồn (cứ nửa lít bia có từ 25 đến 50 gam cồn). Và thận vốn “không thích” cồn. Ngoài ra, bia cũng rất giàu năng lượng, uống nhiều dễ dẫn đến phát phì.
2. MẮT
"Thích"
- Các loại rau xanh: Súp lơ, cải bắp, rau muống,... có khá nhiều hợp chất cần thiết đối với “điểm vàng” của mắt. Những hợp chất này cũng hoạt động như một dạng “kính râm” chống nắng bên trong mắt: Chúng lọc ánh sáng và bảo vệ giác mạc.
Tích cực ăn rau xanh hàng ngày bạn sẽ có cặp mắt tinh tường đến “đầu bạc răng long”.
- Cà rốt và ngô: Đây là loại thực phẩm giàu beta-carotene. Từ hợp chất này sẽ tạo ra vitamin A, yếu tố cần thiết để có cặp mắt tinh, nhất là những lúc trời chập choạng tối.
"Không thích"
- Thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt. Ăn nhiều loại thực phẩm này sẽ làm “acid hóa” nội môi - yếu tố cản trở để hấp thụ những hợp chất cần thiết cho mắt. Vậy nên không có gì lạ khi thực đơn giàu thịt làm gia tăng nguy cơ thoái hóa “điểm vàng” ở mắt. Người cao tuổi nên biết về điều này, bởi đây là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này lớn nhất.
3. TIM
"Thích"
- Lươn biển: Cũng như các loại cá biển khác vốn là “nhà cung cấp” chất béo omega-3 chính. Các acid omega-3 có tác dụng làm gia tăng nồng độ cholesterol “tốt” HDL trong máu, giảm thiểu cholesterol “xấu” LDL. Ngoài ra chúng còn bảo vệ mao mạch trước nguy cơ máu vón cục.
- Cà chua: Dù ăn sống hay được chế biến đều tốt. Tất cả nhờ hợp chất màu đỏ - lycopene, chất có tác dụng ngăn cản sự hình thành xơ vữa thành mạch. Tốt nhất là ăn cà chua tươi kèm dầu ô-liu, bởi khi ấy cơ thể hấp thu lycopene tốt hơn.
- Đậu nành: Hạt đậu chứa nhiều chất chống oxy hóa đặc biệt có tác dụng bảo vệ thành mạch, hạ huyết áp và cholesterol xấu LDL trong máu, tức là ngăn cản sự hình thành các mảng xơ vữa.
- Lạc, vừng, hạt hoa hướng dương: Có nhiều vitamin E, chất chống oxy hóa có tác dụng giống như chất chống oxy hóa có trong đậu nành.
- Tỏi (Tỏi đen): Tinh chất dầu tỏi có tác dụng hạ huyết áp, cải thiện hoạt động của tim. Củ tỏi giải phóng các hợp chất hương liệu nhiều nhất vào khoảng mười phút sau khi bóc vỏ (đây chính là lúc ăn tốt nhất).
- Mật ong: Không chỉ giàu kali có tác dụng điều tiết huyết áp, mà còn giúp củng cố hoạt động của trái tim. Tốt nhất là sử dụng các loại mật ong rừng.
- Quả chà là; Thậm chí quả chà là khô cũng có tác dụng hoạt huyết và bảo vệ thành mạch trước nguy cơ xơ vữa. Do giàu acid salicylic, quả chà là cũng có tác dụng tương tự thuốc aspirin.
"Không thích"
- Trứng gà: về nguyên tắc chỉ lòng đỏ trứng làm hại tim, bởi nó làm gia tăng nồng độ cholesterol xấu LDL trong máu. Vì vậy nên hạn chế, mỗi tuần chỉ nên ăn hai quả.
- Bơ thực vật: Loại đóng cục, cứng vốn được cho thêm acid béo trans. Giống như mỡ động vật, bơ thực vật cũng dẫn đến tình trạng gia tăng cholesterol xấu LDL. Trái lại, bơ thực vật trên nền sterol thực vật lại có lợi cho tim mạch.
- Nước khoáng đậm đặc: Lượng đáng kể carbonate natri trong nước khoáng đậm đặc làm tăng huyết áp. Vì thế, an toàn hơn nên chọn nước suối hoặc nước khoáng nghèo hợp chất này.
Bạn có biết rằng: Đối với tim, bưởi đào tốt hơn bưởi thường. Lý do: Bưởi đào có hợp chất lycopene nhiều hơn (chất có màu đỏ y hệt trong cà chua). Tính hơn hẳn của màu sắc được chứng minh qua công trình nghiên cứu. Với người ăn bưởi đào sau một tháng nồng độ cholesterol toàn phần giảm 15%, trong đó cholesterol xấu (LDL) giảm 20%, triglyceride giảm 18%. Cũng cùng thời gian nghiên cứu, không thấy hiệu quả tương tự ở đối
tượng ăn bưởi thường.
4. XƯƠNG
"Thích"
- Cá: Tốt đối với xương (và tất nhiên cả răng) là cá sardine và các loại cá biển giàu mỡ, tức các loại cá biển có thể ăn cả xương (khi đã rán hoặc ninh nhừ). Đầy là các món ăn không chỉ cung cấp cho cơ thể calcium mà cả vitamin D3, những thành phần cần thiết cho xương phát triển. Ngoài ra, vitamin D3 còn có tác dụng trợ giúp cơ thể thuần hóa tốt hơn các sản phẩm có chứa phosphor.
- Thịt nạc: Là nguồn cung cấp phosphor và kẽm chính cho cơ thể. Chính nhờ những nguyên tố này, mà các osteoblast - tức các tế bào cấu tạo xương có thể duy trì hoạt động chính xác.
- Quả mâm xôi: Nền y học cổ truyền coi chúng là vật liệu ngăn cản tuyệt vời bệnh loãng xương, bởi trong quả mâm xôi chứa khá nhiều lượng calcium tự nhiên. Nên ăn quả tươi cũng như dạng mứt hoa quả.
"Không thích"
- Cà phê và nước trà đặc: Đối với phụ nữ, đặc biệt là người lao động nặng nhọc, cà phê và nước chè đặc làm gia tăng sự mất calciiun của cơ thể, tức là gia tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, Một ly nhỏ cà phê đen hoặc trà đặc buổi sáng có tác dụng kích thích trí tuệ, song không nên uống sớm hơn một giờ trước bữa sáng.
- Các loại bim bim và hamburger: Đây là các món dạng thức ăn nhanh đặc biệt nghèo các thành phần dinh dưỡng. Ngoài việc không cung cấp cho xương các vitamin và khoáng chất cần thiết, các món ăn này còn góp phần thải loại calcium ra khỏi cơ thể.
Bạn có biết rằng: Trung bình cứ ba người lớn thì có một người không có khả năng hấp thụ calcium từ sữa bò, bởi họ là nạn nhân của tình trạng cơ thể không chấp nhận lactose. Trong trường hợp như vậy, uống sữa không chỉ không đảm bảo cung cấp cho cơ thể lượng calcium cần thiết, mà còn gây rắc rối cho hệ tiêu hóa. Một khi cơ thể không tiêu hóa lactose, chất ngọt này sẽ tồn đọng trong ruột. Và tình trạng này kéo dài ắt dẫn đến đủ loại sự cố - từ đầy bụng, đến đau bụng và thậm chí tiêu chảy.
5. GAN
"Thích"
- Chanh: Chanh có tác dụng vô trùng mạnh và làm tan sỏi mật. Vì thế nên ăn và uống nước chanh thường xuyên.
- Tỏi: Nhất là ăn sống, bởi tỏi tươi có tác dụng kích thích quá trình cơ thể tiết mật và giảm thiểu khuynh hướng xuất hiện sỏi. Tuy nhiên tạm thời kiêng ăn tỏi sống trong trường hợp sức khỏe gặp rắc rối.
- Quả ô-liu: Bất kể đen hay xanh đều có tác dụng cải thiện hoạt động của gan và túi mật. Bởi quả ô-liu gia tăng sản xuất và tiết mật, nó có tác dụng điều hòa quá trình tiêu hóa.
"Không thích"
- Rượu mạnh: Thậm chí uống lượng ít không chỉ rượu mạnh mà rượu nhẹ, nhất là uống thường xuyên, đều có tác động tiêu cực đến chức năng gan. Lý do: Rượu phong tỏa hoạt động của các tế bào gan và dẫn đến tình trạng tích tụ mỡ. Lâu dài có thể gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ rất nguy hiểm.
- Các gia vị cay mạnh: Trong “danh sách đen” có ớt chỉ thiên, hạt tiêu và các món ngâm giấm. Lý do: Gia tăng nguy cơ đầy hơi và tiêu chảy - yếu tố tạo thêm gánh nặng cho gan.
- Thịt lợn mỡ: Bởi khả năng “chế biến” chất béo (nhất là động vật) của gan có hạn, vì thế gan sẽ “lưu giữ” mỡ nếu ăn quá nhiều. Hậu quả bản thân buồng gan cũng tự “phát phì” và trở thành nhiễm mỡ sau thời gian nhất định.
Bạn có biết rằng: Hàng ngày uống một ly nhỏ cà phê đen sẽ có tác động tích cực đến gan. Các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra rằng, những đồ uống có caffeine (cà phê, chè...) có tác dụng bảo vệ màng gan. Tham gia công trình nghiên cứu là những đối tượng bị nguy cơ tổn thương gan đe dọa (nghiện rượu, bị viêm gan...). Kết quả cho thấy: Gan của những người thường xuyên uống cà phê và chè (dĩ nhiên đúng mức) khỏe hơn hẳn đối tượng chỉ uống nước đun sôi để nguội và nước hoa quả.
6. DẠ DÀY VÀ RUỘT
"Thích"
- Yogurt và nấm kefir là những loại giàu vi khuẩn hữu ích, bởi chúng có tác dụng điều chỉnh hoạt động của hệ tiêu hóa. Vi khuẩn hữu ích cũng trợ giúp cơ thể tiêu hóa một số hợp chất, thí dụ như đường lactose trong sữa bò.
- Ngô: Chứa chất astaxanthin (màu vàng) có tác dụng chữa bệnh. Ngô phong tỏa các thành phần tự do và tạo màng mỏng bảo vệ dạ dày trước nhiều “con bệnh”. Vì thế, nên tranh thủ ăn ngô luộc trong mùa ngô và ngô đóng hộp khi trái mùa.
- Các loại rau thơm như rau mùi, tía tô, rau húng... phát huy tác dụng hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa.
- Tỏi: Kích thích cơ thể tiết dịch tiêu hóa, vậy nên ăn tỏi sống giúp thức ăn tiêu hóa nhanh hơn, khắc phục tình trạng ứ đọng trong dạ dày. Tỏi cũng kìm hãm quá trình lên men trong ruột, vì thế ngăn cản được tình trạng đầy bụng.
"Không thích"
- Thịt mỡ: Các món ăn chế biến từ thịt mỡ nằm lâu trong dạ dày, khó tiêu vì thế gây cảm giác đầy bụng, ấm ách, khó chịu.
- Các loại rượu vang sủi tăm và các loại nước ép hoa quả chua. Lý do: Kích thích dạ dày tiết dịch thái quá, hậu quả gây tình trạng đầy và đau bụng.
- Táo: Một số người bị đau bụng và đầy hơi sau khi ăn nhiều táo. Lý do: Táo giàu hợp chất pectin - thủ phạm tạo khí trong quá trình lên men sau khi bị vi khuẩn phân hóa.
Thế nên, thông tin đầy đủ về tác dụng của thức ăn đối với các cơ quan chủ yếu của cơ thể là đơn thuốc hợp lý nhất. Nhất thiết phải duy trì thực đơn thích hợp với trường hợp đã biết bản thân được chẩn đoán mắc bệnh nào đó. Hãy tham khảo, nên dùng và tránh món gì dưới đây để cơ thể khỏe mạnh.